♪ Smile Always ♪
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.



 
HomeLatest imagesSearchRegisterLog in

Share | 
 

 Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây

View previous topic View next topic Go down 
AuthorMessage
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây _
PostSubject: Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây   Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây I_icon_minitime05.09.11 17:30

Trong suốt chiều dài lịch sử của các triều đại vua chúa Việt Nam, hiếm có vị vua nào lên ngôi hai lần và có đến 4 bà vợ là người ngoại quốc như vua Lê Thần Tông. Đặc biệt, trong đó có một bà vợ là người Hà Lan, đây cũng chính là bà hoàng đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam là người châu Âu. Tại một ngôi chùa ở Thanh Hóa -quê hương của các vị vua Lê vẫn còn dấu tích về các bà vợ của ông vua đặc biệt này.

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây 37u51
Khung cảnh chùa Mật Sơn

Vua Lê Thần Tông (tên huý là Duy Kỳ) còn là một vị vua có một kỷ lục hiếm có trong số 108 vị vua chúa Việt Nam là đã có ít nhất năm bà vợ thì có đến bốn bà vợ là người ngoại quốc. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Kỳ - Phó chủ tịch Hội sử học Thanh Hóa, thì bà vợ đầu tiên của vua Lê Thần Tông là bà Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu, Phạm Thị Ngọc Hậu (mẹ vua Lê Huyền Tông). Bà còn có tên khác ở quê thường gọi là Phạm Thị Ngọc Oanh, người làng Quả Nhuệ Thượng, xã Bộc Hoài, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân). Sinh ra vua Huyền Tông Mục Hoàng đế (Lê Duy Vũ 1662 - 1671), con thứ 2 của vua Lê Thần Tông. Sau bà Phạm Thị Ngọc Hậu, vua Lê Thần Tông còn có 4 bà vợ nữa. Điều đặc biệt, mỗi bà thuộc một nước khác nhau

Trong số những bà vợ ngoại quốc thì có một bà là con gái của Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Trong chuyến bà đi cùng thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam vào năm 1630 thì được gặp vua Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long. Nghe theo lời của bố là Phó toàn quyền Hà Lan, bà nhận lời ở lại Việt Nam làm vương phi của vua Lê Thần Tông. Những ngày ở Thăng Long, bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở kinh thành với hầu hết những người không biết tiếng. Bà đã học tiếng để có thể giao tiếp với mọi người. Bà là người Châu Âu đầu tiên lấy một vị vua An Nam. Trong 5 bà vợ của vua Lê Thần Tông, ngoài một bà vợ Việt Nam và một bà vợ Hà Lan, vua còn có thêm 3 bà vợ nữa, một bà người Trung Quốc, một bà vợ người Chiêm Thành và một bà người Indonexia.

Tại chùa Mật Sơn (chùa Đại Bi) ở Thanh Hóa còn lưu giữ những pho tượng thờ vua Lê Thần Tông cùng những bà vợ của ông. Vua Lê Huyền Tông (1662 - 1671) vào cuối đời, năm Cảnh Trị thứ 9 (1671) đã cho xây dựng ở núi Mật Sơn ngôi chùa Đại Bi để thờ vua cha Lê Thần Tông, Hoàng hậu cùng phi tần của vua cha. Quần thể tượng vua Lê Thần Tông và các Hoàng phi là những tác phẩm điêu khắc cổ qúy giá, thể hiện nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung của thế kỷ XVII. Ngôi chùa toạ lạc ngay dưới chân núi Kỳ Lân, thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.


Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây 28jzkbb
Tượng vua Lê Thần Tông và hai trong số nhiều bà vợ của vua, tại Thanh Hoá

Vào khoảng những năm 20 của thế kỷ trước, nhà sử học Charles Robequin có viết cuốn Le Thanh Hoa (Xứ Thanh Hóa), một cuốn sách nghiên cứu về lịch sử, địa lý, phong tục, ngành nghề, dân cư, đặc sản... của Thanh Hóa. Trong sách đó có ghi việc ông Lê Duy Kỳ là người Việt Nam đầu tiên lấy vợ người châu Âu. Vào đầu thế kỷ XVII, ở Đàng ngoài có khá nhiều kiều dân châu Âu đến làm ăn buôn bán. Tập trung đông nhất là ở kinh thành Thăng Long. Bên cửa sông Tô nối với sông Hồng, trên bến dưới thuyền tấp nập, không chỉ có người Trung Quốc, mà còn có nhiều người Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha... đến buôn bán, mở nhiều cửa hàng.

Trong sách Tường trình về Đàng ngoài của linh mục A. de Rhodes cũng có nói đến việc người Hà Lan chiếm số đông và có ưu thế hơn những người châu Âu đến làm ăn buôn bán ở Đàng ngoài. Sách đã ghi việc chúa Đàng ngoài đến cầu cứu các thương gia người Hà Lan khi ấy đã chiếm đóng Java (Indonesia), xin cung cấp cho một số tàu tròn... và người Hà Lan đã đồng ý ngay vì biết vua chúa Đàng ngoài cần những tàu đó để tiến đánh chúa Đàng trong. Mà chúa Đàng trong những năm đó đã công khai tỏ ra thù địch với người Hà Lan... Việc liên minh có tính quân sự của Đàng ngoài với người Hà Lan đồng thời với việc người Hà Lan đến miền Bắc Việt Nam làm ăn nhiều hơn.

Ông vua của những kỷ lục

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây Nznac3
Bàn thờ của vua Lê Thần Tông tại chùa Mật Sơn (Thanh Hoá)
Vua Thần Tông là con trưởng vua Kính Tông. Mẹ là Đoan Từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ hai của Bình An Vương Trịnh Tùng). Vua sinh giờ Tỵ, ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi, niên hiệu Hoàng Định thứ 8 (1607). Năm Kỷ Mùi (1619) ngày 2 tháng 6, Vua lên ngôi ở điện Cần Chính, lấy ngày sinh làm ngày Thọ Dương Thánh Tiết. Là cháu ngoại của chúa Trịnh Tùng được đưa lên làm Vua lúc mới 12 tuổi. Trong quá trình trị vì, đổi niên hiệu 3 lần: Vĩnh Tộ, Đức Long, Dương Hòa. Ở ngôi 25 năm, đến năm Qúy Mùi (1643), Vua nhường ngôi cho con trai trưởng mới 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông), còn vua lui về ở chùa Khán Sơn.

Sau khi lên ngôi, Lê Chân Tông tôn vua cha làm Thái thượng hoàng, Hoàng hậu Trịnh Thị làm Hoàng thái hậu. Tuy nhiên, ở ngôi chỉ được 6 năm thì Lê Chân Tông ốm chết, nên Thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ trở lại làm vua. Lần thứ hai trở lại Vua ở ngôi thêm 16 năm đổi niên hiệu 4 lần: Khánh Đức, Thịnh Đức, Vĩnh Thọ, Vạn Khánh. Đến năm Nhâm Dần (1662), Lê Thần Tông qua đời. Nối ngôi Thần Tông là con trai thứ của ông, tên là Lê Duy Vũ (hiệu là Huyền Tông), lúc này mới lên 8 tuổi. Lê Duy Vũ ở ngôi 9 năm thì ốm, chết. Sau khi Lê Duy Vũ chết, kế vị ngôi vua là con trai thứ tên là Lê Duy Hợi (hiệu là Gia Tông). Lê Gia Tông ở ngôi 4 năm thì ốm, chết. Nối ngôi là con út của Lê Thần Tông, tên là Lê Duy Hợp (hiệu là Hy Tông).

Như vậy, Lê Duy Kỳ là người duy nhất trong số 108 vị vua chúa Việt Nam có hai lần lên ngai vàng làm vua. Vua có 4 người con trai, 6 gái, 2 con nuôi. Một điều đặc biệt nữa là Lê Duy Kỳ có 4 người con trai đều liên tiếp lên làm vua. Cũng cần lưu ý thêm, trong lịch sử các đời vua chúa Việt Nam, ngoài Lê Duy Kỳ (1607 - 1662) làm vua với hiệu Thần Tông, còn có một người cũng tên là Lê Duy Kỳ (1765-1793) cũng làm vua nhưng với niên hiệu là Chiêu Thống.

Sau khi vua mất (1662) thọ 56 tuổi, được táng tại Ngọc Long, xã Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trong quá trình trị vì của mình, vua có được mối quan hệ rất tốt với các Chúa Trịnh. Bản thân ông là cháu ngoại của chúa Trịnh Tùng (mẹ ông là con gái của chúa Trịnh Tùng). Trong 6 cô con gái của ông đều được gả cho các con cháu của Chúa Trịnh. Quan hệ giữa vua chúa ổn định đã góp phần làm cho thời kỳ này tương đối ổn định. Theo sử gia Phan Huy Chú tả thì vua mũi cao, mắt rồng có vẻ khác người, sáng suốt học rộng, thường thích văn thơ, cùng với nhà Chúa một nhà hoà vui êm ấm. Vua ung dung rũ áo chắp tay hưởng lộc lâu dài.

Năm 1924, nhà nghiên cứu người Pháp tên là Cadière đã phát hiện mộ vua Lê Thần Tông ở làng Quần Đội, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân - làng ở phía Bắc đường cái đi từ thành phố Thanh Hóa lên Bãi Thượng, vào cây số 43. Ở phía Bắc làng này và cách bờ ruộng chừng 200 thước có thửa đất vuông vức mỗi chiều khoảng chừng 200 thước, có những cây cổ thụ to lớn, đó là vết tích cuối cùng của khu rừng thiêng cũ. Ở giữa gò nổi lên chu vi một chiều 1m50, một chiều 0m80. Cách gò 10 thước có dựng bia đề lăng của Lê Thần Tông - mệnh danh dưới tên là Quần Ngọc lăng, lăng hoàn toàn sụp đổ không để lại vết tích gì. Bia với những nét chạm trổ vô cùng đơn giản như tất cả những bia khắc trong thời đó (Minh Mạng). Thân bia dựng trên bệ xây gạch kích thước 0m78 x 0m41 cao 0m18 chiều thẳng vuông đất. Bia là một phiến đá vôi cao 0m91, rộng 0m48, dày 0m11. Trên bia có đề 3 dòng chữ đề ngày 25.4 năm Minh Mạng thứ 4 (1843).

Cho đến nay, trong suốt dọc dài lịch sử đất nước, không có vị vua nào có những kỷ lục đặc biệt như vua Lê Thần Tông.

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây _
PostSubject: Re: Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây   Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây I_icon_minitime05.09.11 18:06

Gia đình:

  •    Cha
    • Lê Kính Tông


  •    Mẹ
    • Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của chúa Bình An vương Trịnh Tùng


  •    Vợ
    •        Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.
    •        Nguyễn Thị Ngọc Bạch, sau được phong làm Minh Thục Hoàng Thái Hậu và là mẹ vua Lê Chân Tông.
    •        Phạm Thị Ngọc Hậu, sau được phong làm Đoan Thuần Hoàng Thái Hậu và là mẹ vua Lê Huyền Tông.
    •        Chiêu nghi Lê Thị Ngọc Hoàng, mẹ vua Lê Gia Tông.
    •        Trịnh Thị Ngọc Tấn, mẹ vua Lê Hy Tông.
    •        Nguyễn Thị Nhậm.
    •        Nguyễn Thị Sinh.
    •        Nguyễn Thị Vĩ.
    •        Trần Thị Lãng.
    •        Đặc biệt Lê Thần Tông còn có 1 Hoàng phi người Hà Lan lai Triều Tiên tên là Orona. Ngoài ra ông còn có 1 Hoàng phi người Xiêm La (Thái Lan), 2 Hoàng phi người Trung Quốc và 1 bà vợ là người dân tộc Mường.



  •    Con
    •        Lê Chân Tông.
    •        Lê Huyền Tông.
    •        Lê Gia Tông.
    •        Lê Hy Tông.
    •        6 công chúa.
    •        3 con nuôi (trong đó có 1 người Hà Lan tên là Charles Hartsink)



wikipedia
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây _
PostSubject: Re: Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây   Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây I_icon_minitime10.08.13 19:14

Vua Lê Thần Tông với bốn người vợ ngoại quốc
- Lê Thần Tông (1607 – 1662) là vị vua hiếm có trong lịch sử 108 vua chúa Việt Nam, có 6 vợ thì 4 bà là người ngoại quốc. Sử sách chép, ngoài bà vợ đầu tiên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, Hoàng đế Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ rằng, mỗi bà thuộc một dân tộc khác nhau.

Vị vua hai lần làm vua


Vua Lê Thần Tông có tên húy là Lê Duy Kỳ. Ông sinh ngày 19 tháng 11 năm 1607 (âm lịch) và mất năm 1662. Lê Thần Tông là vị vua thứ 17 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của chúa Bình An vương Trịnh Tùng.

Tháng 5 năm 1619, sau khi vua Kính Tông bị buộc phải thắt cổ chết, Bình An vương lập cháu là Duy Kỳ, khi đó mới 12 tuổi lên ngôi vua. Vào tháng 6 năm 1619 thì đổi niên hiệu thành Vĩnh Tộ năm thứ nhất.

Lê Duy Kỳ được đánh giá là vị vua có tướng mạo đế vương với sống mũi cao, mặt rồng. Ông cũng được nhận định là người thông minh, học rộng, có mưu lược sâu sắc, giỏi văn chương. Vua Lê Thần Tông đã từng có ý định đoạt lại quyền hành cho họ Lê.

Tuy nhiên, do Trịnh Tùng là ông ngoại của ông, Trịnh Tráng vừa là cậu, lại vừa là bố vợ nên ông đã không đoạt lại quyền bính nữa.

Vào tháng 7 năm 1623, nhân dịp Bình An vương Trịnh Tùng qua đời, Trịnh Xuân lại thêm một lần nữa đem quân nổi lên để tranh ngôi chúa. Vương thế tử Trịnh Tráng cùng vua kéo quân ra Thanh Hóa để dẹp loạn.

Năm 1630, Lê Thần Tông lấy con gái của Trịnh Tráng là Trịnh Thị Ngọc Trúc làm hoàng hậu. Ngọc Trúc vốn là vợ của người bác họ vua là Lê Trụ. Khi ấy, Lê Trụ bị giam trong ngục.

Trịnh Tráng đem Ngọc Trúc gả cho Thần Tông. Triều thần là Nguyễn Thục, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can, nhưng lúc đó Thần Tông không có thực quyền, biết mình không thể chống lại chúa Trịnh nên không thể nghe can ngăn, bèn nói rằng: “Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy”.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép về việc này: “Vào năm Canh Ngọ 1630, niên hiệu Đức Long thứ 2, tháng 5, Vua lấy con gái Vương (Trịnh Tráng) là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu.

Trước, Ngọc Trúc đã lấy người bác họ của Vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được 4 con. Khi ấy, Lê Trụ bị giam, Vương đem Ngọc Trúc gả cho Vua. Vua lấy vào cung.

Triều thần là Nguyễn Trực, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe mà nói rằng: Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy. Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt...”.

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây Mrvl89
Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc

Khi nhập cung, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ có vai vế là trưởng bối, mà còn hơn vua Thần Tông đến mười hai tuổi.

Song, ở ngôi vị quốc mẫu không được bao lâu, bà Ngọc Trúc đã mang theo con gái Ngọc Duyên (con của bà và Lê Trụ) rời cung, tu hành tại chùa Bút Tháp ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Linh mục Alexandre de Rodes từng viết về bà hoàng Trịnh Thị Ngọc Trúc với rất nhiều lời ngợi khen: Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Ca-tê-ri-na vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ.

Tháng 10 năm 1643, vua Lê Thần Tông nhường ngôi cho con là Lê Duy Hiệu sau khi ở ngôi được 25 năm. Về phần mình ông lên làm Thái thượng hoàng, còn Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc làm Hoàng thái hậu.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép về điều này như sau: “Lê Chân Tông lên ngôi, tôn vua cha làm Thái thượng hoàng, Hoàng hậu Trịnh Thị làm Hoàng thái hậu…”. Đến tháng 8 năm 1649, Duy Hiệu mất sớm, vua Lê Thần Tông trở lại ngôi đến tháng 9 năm 1662 thì qua đời, hưởng thọ 56 tuổi, trị vì 37 năm.

Cũng trong năm 1662, nhà Minh cử người sang phong Thượng hoàng Thần Tông làm An Nam quốc vương. Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam làm vua hai lần.

Thời bấy giờ xem ông là bậc vua giỏi, chỉ chê ở hai điểm: chốn cung vi không có đế độ và mê hoặc Phật giáo. Sau khi vua mất vào năm 1662 thì được táng tại Ngọc Long, xã Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá).

Trong quá trình trị vì của mình, vua có được mối quan hệ rất tốt với các Chúa Trịnh. Cả sáu người con gái của vua Lê Thần Tông đều được gả cho các con cháu của Chúa Trịnh. Quan hệ giữa vua chúa ổn định đã góp phần làm cho đất nước thời kỳ này tương đối ổn định, đời sống của người dân tốt đẹp hơn.


Thứ phi Tây và chuyện sáu bà hoàng nhập thần vào tượng

Sau Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, ông Lê Thần Tông còn có 5 thứ phi nữa. Việc vua có nhiều phi tần mỹ nữa không phải là điều lạ. Song, với vua Lê Thần Tông, việc rất lạ là những người thứ phi của vua thuộc các dân tộc khác nhau: Thái, Mường, Hán, Lào và đặc biệt là người vợ thứ sáu là một người phụ nữ Hà Lan.

Từ đầu thế kỷ XVII, ở Đàng ngoài có khá nhiều kiều dân châu Âu đến làm ăn buôn bán. Ngay ở Thăng Long, phường Giang Khẩu (sau đổi thành Hà Khẩu), nay là khu vực phố Hàng Buồm, Nguyễn Siêu, bên cửa sông Tô nối với sông Hồng, trên bến dưới thuyền tấp nập, không chỉ có người Trung Quốc mà còn có nhiều người Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha… đến buôn bán, mở nhiều cửa hàng.

Trong sách Tường trình về Đàng ngoài của linh mục Alexandre de Rhodes cũng có nói đến việc người Hà Lan chiếm số đông và có ưu thế hơn những người châu Âu đến làm ăn ở Đàng ngoài.

Sách đã ghi việc chúa Đàng ngoài đã cầu cứu các thương gia người Hà Lan khi ấy đã chiếm đóng Java (Indonesia), xin cung cấp cho một số tàu tròn…

Và người Hà Lan đã đồng ý ngay vì biết vua chúa Đàng ngoài cần những tàu đó để tiến đánh chúa Đàng trong. Mà, chúa Đàng trong những năm đó đã công khai tỏ ra thù địch với người Hà Lan.

Việc liên minh có tính quân sự của Đàng ngoài với người Hà Lan đồng thời với việc người Hà Lan đến miền Bắc Việt Nam làm ăn nhiều hơn. Công ty Đông Ấn của Hà Lan đã liên tục lập những thương điếm ở Phố Hiến, ở Kẻ Chợ,… mở mang thêm nhiều cuộc làm ăn buôn bán với Đàng ngoài.

Trong bối cảnh cuộc sống xã hội như vậy, vua Lê Thần Tông, một người rất đẹp trai, sống mũi cao, da trắng, thông minh, học rộng, giỏi văn chương đã có cơ hội chiêu nạp vào hậu cung của mình một người vợ Hà Lan.

Người vợ thứ sáu của vua Lê Thần Tông là người Hà Lan lai Triều Tiên tên Orona. Đây cũng chính là bà hoàng người Châu Âu đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Tài liệu ghi rằng, người vợ thứ sáu của vua Lê Thần Tông là con gái của Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan.

Trong chuyến cùng thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam vào năm 1630, bà Orona được gặp vua Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long. Khi đó, nghe theo lời của bố, bà ở lại Việt Nam làm vương phi của vua Thần Tông.

Những ngày ở Thăng Long, bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở kinh thành với hầu hết những người không biết. Thêm vào đó, việc không biết nói tiếng Việt cũng cản trở bà rất nhiều trong việc giao tiếp với những người xung quanh. Bà đã học tiếng Việt để có thể giao tiếp với mọi người.

Việc vua Lê Thần Tông có một người vợ Tây đã là chuyện đặc biệt. Nhưng, đặc biệt hơn cả là việc cả sáu người vợ của vua Lê Thần Tông đều sống rất hòa thuận với nhau. Ngay cả khi chết, cả sáu người vợ này cũng bày tỏ ý nguyện có thể ở bên nhau mãi mãi.

Tương truyền rằng sáu pho tượng nhập thần của sáu người vợ vua Lê Thần Tông ở chùa Mật Sơn, tỉnh Thanh Hóa là do sáu bà cùng lòng cùng sức bỏ tiền công đức ra làm, với nguyện ước mãi mãi bên nhau.

Trong đó, tượng bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ngự trên toà sen còn các bà khác đội vương miện trong tư thế tọa thiền.

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây J5i0x0
Vua Lê Thần Tông

Mỗi pho tượng thể hiển một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi bà đúng theo y phục dân tộc của từng người. Đặc biệt, y phục, váy áo của pho tượng tạc bà người Hà Lan, dù là tượng thờ, cổ áo trong vẫn trễ xuống để lộ một mảng ngực.

Năm 1959, năm pho tượng vợ vua Lê Thần Tông đã được rước về đền Nhà Lê – di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp nhà nước - chỉ cách chùa Mật Sơn chừng hơn cây số, thuộc địa phận phường Đông Vệ.

Riêng tượng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngày nay, người Việt Nam sống trên đất nước Việt Nam mà lấy vợ người nước khác, kể cả lấy vợ là người Âu Mỹ không còn là chuyện lạ nữa.

Nhưng, ở thời điểm cách đây cả 400 năm thì việc một ông vua của chế độ phong kiến Việt lấy người vợ Tây vẫn thực sự là điều rất lạ lẫm, nhất là khi những người vợ ấy có thể sống hòa thuận với nhau.




Bí ẩn hậu cung triều vua Lê Thần Tông
Lê Thần Tông (1607 – 1662) là vị vua hiếm có trong lịch sử 108 vua chúa Việt Nam, có 6 vợ thì 4 bà là người ngoại quốc.

Ngoài bà vợ đầu tiên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, vua Lê Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ rằng, mỗi bà thuộc một dân tộc: vợ thứ 2 là người Thái, vợ thứ 3 là người Mường, vợ thứ 4 là người Hán, vợ thứ 5 người Lào và vợ thứ 6 người Hà Lan.

Vợ cả từng lấy bác họ

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: "Vào năm Canh Ngọ 1630, niên hiệu Đức Long thứ 2, tháng 5, Vua lấy con gái Vương (Trịnh Tráng) là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu. Trước, Ngọc Trúc đã lấy người bác họ của Vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được 4 con. Khi ấy, Lê Trụ bị giam, Vương đem Ngọc Trúc gả cho Vua. Vua lấy vào cung. Triều thần là Nguyễn Trực, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe mà nói rằng: Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy. Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt...".

Khi nhập cung, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ có vai vế là trưởng bối, mà còn hơn vua Thần Tông đến mười hai tuổi. Song, ở ngôi vị quốc mẫu không được bao lâu, bà Ngọc Trúc đã mang theo con gái Ngọc Duyên (con của bà và Lê Trụ) rời cung, tu hành tại chùa Bút Tháp ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Linh mục Alexandre de Rodes từng viết về bà hoàng Trịnh Thị Ngọc Trúc như sau: Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Ca-tê-ri-na vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ.


Vợ "út" lại là “bà đầm”

Bà vợ thứ 6 của vua Lê Thần Tông là người Hà Lan lai Triều Tiên tên Orona và đây cũng chính là bà hoàng đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Tài liệu ghi rằng, bà hoàng đó là con gái của Phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Trong chuyến cùng thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam vào năm 1630, bà Orona được gặp vua Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long. Khi đó, nghe theo lời của bố, bà ở lại Việt Nam làm vương phi của vua Thần Tông. Những ngày ở Thăng Long, bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở kinh thành với hầu hết những người không biết tiếng.

Trong cuốn sách Tường trình về Đàng ngoài, linh mục Alexandre de Rodes viết: Chúa Đàng ngoài đã cầu cứu các thương gia người Hà Lan khi ấy đã chiếm đóng Java (Indonesia), xin cung cấp cho một số tàu tròn... và người Hà Lan đã đồng ý vì biết vua chúa Đàng ngoài cần những tàu đó để tiến đánh chúa Đàng trong (chúa Đàng trong những năm đó đã công khai tỏ ra thù địch với người Hà Lan... ). Từ việc liên minh có tính quân sự của Đàng ngoài với người Hà Lan, người Hà Lan đến miền Bắc Việt Nam làm ăn nhiều hơn. Đơn cử, công ty Đông Ấn của Hà Lan đã liên tục lập những thương điếm ở Phố Hiến, ở Kẻ Chợ... mở mang thêm nhiều cuộc làm ăn buôn bán với Đàng ngoài. Trong bối cảnh cuộc sống xã hội như vậy, vua Lê Thần Tông, một người rất đẹp trai, sống mũi cao, da trắng, thông minh, học rộng, giỏi văn chương, đã lấy các bà vợ người Mường, Thái, người Lào và người Hán, thì có thêm vợ người Hà Lan cũng là việc dễ hiểu”.


Chuyện 6 bà hoàng nhập thần vào tượng

Tương truyền, 6 pho tượng nhập thần của 6 bà vợ vua Lê Thần Tông ở chùa Mật Sơn (Thanh Hóa) là do 6 bà cùng lòng cùng sức bỏ tiền công đức ra làm, với nguyện ước mãi mãi bên nhau. Trong đó, tượng bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ngự trên tòa sen, còn các bà khác đội vương miện trong tư thế tọa thiền. Mỗi pho tượng thể hiển một nét dung nhan khác nhau và thấy rõ trang phục của mỗi bà đúng theo y phục dân tộc của từng người. Đặc biệt, y phục, váy áo của pho tượng tạc bà người Hà Lan, dù là tượng thờ, cổ áo trong vẫn trễ xuống để lộ một mảng ngực.

Năm 1959, năm pho tượng vợ vua Lê Thần Tông đã được rước về đền Nhà Lê - được xếp hạng Di tích lịch sử cấp nhà nước - chỉ cách chùa Mật Sơn chừng hơn cây số, thuộc địa phận phường Đông Vệ. Riêng tượng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây _
PostSubject: Re: Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây   Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây I_icon_minitime10.08.13 19:52

Các bà vợ ngoại quốc của vua Lê Thần Tông
- Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, hiếm có vị vua nào được sử sách và giai thoại nhắc đến chuyện vợ con với các thông tin thú vị, lạ kỳ như Lê Thần Tông. Mặc dù các dữ liệu về vấn đề này không nhiều nhưng nó vẫn tạo sự ngạc nhiên, thích thú đặc biệt, nhất là về những người vợ nước ngoài và một người con nuôi “mắt xanh, tóc vàng” của vị hoàng đế này.

Đánh giá ngắn gọn về Lê Thần Tông, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có đoạn viết: “Vua tên húy là Duy Kỳ, con trưởng của Lê Kính Tông, ở ngôi 25 năm, nhường ngôi 6 năm, lại lên ngôi 13 năm, thọ 56 tuổi, chôn ở lăng Quần Ngọc.

Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi. Song chốn cung vi không có chế độ, mê hoặc Phật giáo, đó là chỗ kém”.

Việc sử sách chê Lê Thần Tông “chốn cung vi không có chế độ” vừa là để nhắc tới chuyện lập Hoàng hậu một cách miễn cưỡng, cũng đồng thời ám chỉ về việc ông lấy những người vợ ngoại quốc mà trong con mắt đương thời, họ thuộc sắc tộc không cao quý.

Về người vợ chính của Lê Thần Tông, đây là người mà vua bị ép buộc chấp nhận trong tình cảnh không thể chối từ được, khi ấy vào tháng 5 năm Canh Ngọ (1630), chúa Trịnh Tráng ép vua Lê Thần Tông phải lấy con gái của mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc để tấn phong làm hoàng hậu; năm ấy vua mới 23 tuổi còn bà Ngọc Trúc  đã ở tuổi 36.

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây 2hp2b6s
Tượng Lê Thần Tông cùng các hậu phi tại chùa Mật Sơn
(phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa)

Tuổi tác chênh lệch đã đành nhưng điều trái khoáy là xét theo thứ bậc trong hoàng tộc đây lại là bác dâu của vua vì người chồng trước của bà là Cường quận công Lê Trụ lại là bác họ của Lê Thần Tông.

Sử chép rằng: “Mùa hạ, tháng 5, vua lấy con gái của vương là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu. Trước đây, Ngọc Trúc đã lấy bác họ vua là Cường quận công Lê Trụ sinh được 4 con. Khi ấy, Lê Trụ bị giam trong ngục.

Vương đem Ngọc Trúc gả cho vua, vua lấy vào cung. Triều thần là bọn Nguyễn Thục, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can. Vua không nghe và nói rằng: "Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy!". Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Biết là chuyện trái với luân thường đạo lý nhưng ở thời xã hội đảo điên, vua chỉ là bù nhìn mà thôi nên Lê Thần Tông phải cam chịu mà chung sống gượng ép với người vợ già hơn mình nhiều tuổi.

Để bù đắp cho cuộc sống không có tình cảm với Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, vua Lê Thần Tông đã tuyển nhiều mỹ nữ khắp các vùng miền vào chốn hậu cung của mình; sử sách có nhắc đến các phi tần chính của vua như Nguyễn Thị Ngọc Bạch, Phạm Thị Ngọc Hậu, Lê Thị Ngọc Hoàn, Trịnh Thị Ngọc Tấn, Nguyễn Thị Nhân, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Vỹ, Trần Thị Lãng…

Điều đặc biệt là ngoài số phi tần người Việt, để phục vụ mục đích chính trị và giao thương quốc tế, Lê Thần Tông còn lấy một số phụ nữ nước ngoài làm vợ mà theo dã sử và tài liệu phương Tây thì những người này có vị thế cao hơn các phi tần người Việt, họ chỉ xếp sau hoàng hậu mà thôi.

Trong số 6 người vợ có thứ bậc cao trong cung, ngoài Hoàng hậu Ngọc Trúc và bà phi người Mường thì những người còn lại là các phi tần người Xiêm (Thái Lan ngày nay), Hán (Hoa), Ai Lao (Lào ngày nay) và Hòa Lan (tức Hà Lan).

Còn theo nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp là Le Breton, trong cuốn sách viết vào thời kỳ Pháp thuộc có tên gọi “Những đình chùa và những nơi lịch sử trong tỉnh” cho biết tại ngôi chùa Đại Bi nằm dưới dân núi Kỳ Lân, còn gọi là núi Ngọc Nữ (nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) có đặt tượng vua Lê Thần Tông và 6 người vợ.

Theo Le Breton thì sáu bức tượng hậu phi gồm Hoàng hậu người Việt dân tộc Kinh, Hoàng phi Hà Lan, Hoàng phi người Việt dân tộc Mường, Hoàng phi Xiêm, Hoàng phi Trung Hoa, Hoàng phi người Ba Thục (Trung Hoa).

Chuyện Lê Thần Tông có nhiều người vợ ngoại quốc xuất phát từ những quan hệ chính trị, kinh tế thời bấy giờ.

Theo sử sách thì từ trước khi Lê Thần Tông lên ngôi, quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Đại Việt và các quốc gia lân bang cũng như những nước đến từ châu Âu xa xôi đã được hình thành, xác lập ở mức độ khác nhau nhưng giai đoạn ông ở ngôi thì quan hệ đó đã phát triển rất mạnh mẽ.

Ở phía Bắc, nhà Lê thực hiện chính sách đối ngoại khôn khéo nên quan hệ với triều Minh đang cai trị Trung Quốc khá thuận lợi; thậm chí có lúc còn thể hiện sức mạnh của quốc gia, như chuyện vào tháng 10 năm Canh Ngọ (1630) vua sai chúa Trịnh đón tiếp sứ thần nhà Minh bên sông Hồng rồi “nhân thể dàn bày nhiều thuyền ghe, voi, ngựa ở bờ sông để khoe binh uy, tỏ ra cường thịnh” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Bấy giờ triều Minh đã suy vong, phía Bắc bị quân Thanh tấn công dữ dội, phía Nam thì nổi loạn khắp nơi nên có những quan chức, tù trưởng khi gặp họa binh đao đã không cầu cứu triều đình trung ương mà lại xin được sự giúp đỡ nước Đại Việt để bảo toàn quyền lợi và sự bình yên cho địa phương mình cai quản như Triệu Hữu Khải, con cháu của thủ lĩnh đất Long Châu (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay).

Khi nhà Minh mất nước, triều Thanh thống trị cả Trung Hoa nhưng gặp nhiều chống đối nên buộc phải thực hiện quan hệ ngoại giao mềm mỏng với phương Nam.

Có lẽ đó là những nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của mỹ nhân người phương Bắc trong nội cung của Lê Thần Tông như “món quà” tình cảm dâng tiến để có được sự che chở, náu thân vì thế phi tần người Trung Quốc của vua có thể là con cháu di thần, quan lại triều Minh đi tị nạn đến nước ta khi đó.

Tại phía Tây và Tây Nam, các tiểu quốc nhỏ (sau này hợp nhất thành nước Lào) như Bồn Man, Lão Qua, Nam Chưởng, Ai Lao… có quan hệ thần phục Đại Việt, thường nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ trong các tranh chấp nội bộ hoặc chống lại sự chèn ép của Miến Điện và Xiêm La.

Với Xiêm La, mối quan hệ với Đại Việt chủ yếu là giao thương buôn bán, thỉnh thoảng nước này có gửi sứ thần đến dâng quốc thư và lễ vật; ngoài ra ít nhiều còn có sự tranh giành ảnh hưởng tại các tiểu quốc nhỏ nằm giữa hai bên.

Có ý kiến cho rằng, giống như trường hợp của bà phi người Trung Quốc, phi tần người Ai Lao do tiểu quốc này tuyển chọn dâng tiến cho hoàng đế Đại Việt như một cách bày tỏ tấm thân tình, kính trọng.

Còn phi tần người Xiêm La có lẽ do các thương nhân đến từ nước này dâng lên, bởi khi đó các lái buôn Xiêm La thường dùng thuyền theo đường biển sang trao đổi, mua bán và có khi còn trực tiếp cử phái đoàn đến Thăng Long để dâng sản vật quý.

Về phi tần người Hà Lan (người Việt thời trước thường gọi là Ô Lang, Hoa Lang hay Hòa Lan), dù thông tin không nhiều nhưng so với các phi tần ngoại quốc của Lê Thần Tông thì dữ kiện liên quan đến bà có nhiều hơn chút ít.

Dù có nhắc đến nhưng trong các tư liệu của một số giáo sĩ, thương nhân châu Âu không chép rõ người vợ phương Tây của Lê Thần Tông tên thật là gì, nhưng có tài liệu nói bà là người Hà Lan lai Triều Tiên tên là Onrona.

Trong cuốn “Histoire ancienne et moderne de l’Anam” (Lịch sử cổ và hiện đại của Trung Kỳ) của giáo sĩ Adrien Lurray thuộc Hội truyền giáo ngoại quốc của Pháp có đoạn viết: “Vua Lê Thần Tông khi ở ngôi lần thứ nhất đã lấy một người vợ Hà Lan lai Triều Tiên.

Nàng tên là Onrona, được xếp hàng cung tần, đứng thứ hai sau Hoàng hậu”. Trong một tác phẩm của mình, nhà nghiên cứu người Pháp G Dumoutier cho biết bà phi này tên OurouSan, là con gái của viên Toàn quyền Hà Lan ở Đài Loan và “bà OurouSan là một cung phi được vua Lê Thần Tông sủng ái"”.

Linh mục người Pháp là Alexandre de Rhodes trong cuốn sách “Historie du Royaume de Tunquin” (Tường trình về Đàng Ngoài hay còn có tên khác là Lịch sử vương quốc Đàng ngoài) ghi chép rất nhiều việc về nước ta thời Lê - Trịnh cũng có đoạn cho biết trong số những người vợ của Lê Thần Tông có một bà cung phi người Hà Lan.

Vua Lê Thần Tông có nhiều vợ, họ sinh cho ông tất cả 10 người con, trong đó 4 người con trai đều kế nhau ở ngôi hoàng đế là:

Lê Duy Hựu (Lê Chân Tông) do bà Nguyễn Thị Ngọc Bạch sinh ra; Lê Duy Vũ (Lê Huyền Tông) do bà Phạm Thị Ngọc Hậu sinh ra; Lê Duy Cối (Lê Gia Tông) do bà Lê Thị Ngọc Hoàn sinh ra; Lê Duy Cáp (Lê Hy Tông) do bà Trịnh Thị Ngọc Tấn sinh ra.

6 nàng công chúa là: Lê Thị Ngọc Thỉnh (mẹ là Nguyễn Thị Nhân), Lê Thị Ngọc Hài (mẹ là Nguyễn Thị Sinh), Lê Thị Ngọc Điều (mẹ là Nguyễn Thị Vỹ), Lê Thị Ngọc Triện (mẹ họ Trịnh, không rõ tên), Lê Thị Ngọc An (mẹ là Trần Thị Lãng), Lê Thị Ngọc Ngọc (không rõ là con bà phi nào).

Xét theo các thông tin nói trên thì có thể thấy những phi tần người ngoại quốc không sinh cho Lê Thần Tông người con nào. Ngoài những người con đẻ, vị hoàng đế này còn có 4 người con nuôi (1 gái, 3 trai) là Lê Thị Ngọc Duyên (con riêng của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc), Lê Duy Tào (con một người trong họ nhưng có thuyết nói đó là con riêng của Hoàng hậu Ngọc Trúc, còn sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì viết:

“Duy Tào là con người khác việc này không khảo cứu được”. Người con trai nuôi thứ hai của Lê Thần Tông tên là Lê Duy Lương, không rõ là con ai, được trở thành con nuôi vua trong hoàn cảnh nào.

Còn người con nuôi thứ ba thì lại là một điều đặc biệt nữa khiến Lê Thần Tông được coi là vị vua đầu tiên và cũng là người Việt đầu tiên có con nuôi là người nước ngoài, điều thú vị người đó cũng là người phương Tây gốc Hà Lan tên là Charles Hartsinck (có sách chép là Carel Hartsinck, Carel Hartsink hoặc Karl Hartsink).

Đây là được coi là người Hà Lan đầu tiên được phép mở hiệu buôn ở nước ta, đặt nền móng cho việc xây dựng thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến, người này cư trú ở Đàng Ngoài khá lâu và thông thạo tiếng Việt, am hiểu tình xã hội, nội tình triều đình.

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây 1y0olz
Carel Hartsink – người con nuôi của Lê Thần Tông

Nhà nghiên cứu người Pháp là G. Dumoutier trong cuốn “Revue de I,Histoire des religions, Paris, 1893” đã viết: “Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XVI các thương nhân Bồ Đào Nha đã chú ý đến Phố Hiến nhưng mãi đến tháng 3 năm 1637 chiếc thuyền Groll của Hà Lan mới đến Đàng Ngoài.

Thuyền trưởng Hartsink không xin mở được thương điếm ở Thăng Long nên đành xuôi xuống Phố Khách lập thương điếm cho hãng Đông Ấn Hà Lan và thương điếm nhanh chóng làm ăn thịnh vượng”.

Theo cuốn ‘Phố Hiến - lịch sử và văn hóa” cũng viết hoạt động buôn bán của thương nhân Hà Lan khi đó như sau: “Người Hà Lan buôn bán với ta chủ yếu trao đổi bạc lấy tơ sống hoặc tơ đã dệt, quế, sa nhân để đưa sang Nhật Bản.

Thương điếm của họ xây dựng giống như một khu quân sự, có hào bao quanh, có lính bảo vệ, ngay sát bến thuyền nhưng lại xa khu phố dân cư. Họ có lực lượng lao công phục vụ, không dùng người địa phương”.

Để thuận lợi trong làm ăn buôn bán, Các Hắc Sinh (phiên âm của Carel Hartsink) đã mang nhiều vật phẩm quý từ châu Âu sang để tặng cho vua Lê chúa Trịnh, các phi tần và quan lại cao cấp trong triều đình để lấy lòng.

Chuyện kể rằng chính một viên giám đốc của công ty Đông Ấn Hà Lan đã gửi thư cho Hartsink khuyên ông ta nên tiếp cận với bà người Hà Lan của Lê Thần Tông, thông qua bà phi này mà Hartsink đã dâng tặng quà tặng cho những phi tần được vua yêu quý và được họ ủng hộ, tác động.

Nhờ sự giúp đỡ của các phi tần đó đã khiến Lê Thần Tông đồng ý cho Hartsink được ra vào hoàng cung và được vua nhận làm “nghĩa tử” (con nuôi) với lời nói rằng: “Trẫm vì muốn tỏ tình thân quý nên đã coi Hartsink như con và như một thành viên trong Hội đồng cố vấn”.

Trong sách của mình, tác giả G. Dumoutier cho biết: “Hartsink đã sử dụng biện pháp sở trường của người Hà Lan ở phương Đông là tìm mọi cách làm quen với nhà chức trách để gây thiện cảm và biếu họ những món quà rất hậu, đặc biệt Hartsink đã đủ khéo léo để được nhà vua nhận làm con nuôi”.

Ngoài ra Hartsink còn rất tích cực tiếp cận với chúa Trịnh, người nắm thực quyền lúc bấy giờ, và vì thế không ngạc nhiên gì khi ông cũng giành được những cảm tình của chúa.

Trong bức thư đề ngày 24/7/1641 của chúa Trịnh Tráng gửi cho viên toàn quyền Hà Lan ở Đài Loan có đoạn viết: “Tôi thấy ông ta (tức Hartsink) tâm địa ngay thẳng, tôi coi trọng ông ta như bàn tay phải của tôi”.

Sự phồn thịnh của thương cảng Phố Hiến một thời có đóng góp rất nhiều của các thương nhân phương Tây đến từ Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… mà người đóng vai trò quan trọng là Hartsink với tư cách là người quản lý thương điếm cho Công ty Đông Ấn Hà Lan.

Đây là công ty hoạt động lâu nhất, có hiệu quả nhất ở Phố Hiến và là công ty cuối cùng rút đây khoảng năm 1700 khi thương cảng này dần lụi tàn.

Một điều thú vị khác cũng nên nhắc đến, đó là người kế nhiệm Carel Hartsink phụ trách thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến là Hendrik Baron cũng bằng tài ngoại giao khéo léo của mình đã tạo được sự ưu ái của triều đình Thăng Long và người con của ông là Semuelo Baron với một phụ nữ Việt đã được chúa Trịnh Căn nhận làm con nuôi, được phép ra vào phủ chúa.

Sau này khi trưởng thành, Semuelo Baron, người mang trong mình nửa dòng máu Việt đã viết sách, vẽ tranh mô tả, cung cấp nhưng chi tiết thú vị về hoàng cung vua Lê, vương phủ chúa Trịnh cũng như đời sống xã hội Bắc Hà trong cuốn “A Description of the Kingdom of Tonqueen” (Mô tả về vương quốc Đông Kinh) hoàn thành vào khoảng năm 1685-1686.

Qua những thông tin trên, có thể thấy câu chuyện về Lê Thần Tông, vị vua có nhiều vợ người ngoại quốc, và có con nuôi người Âu ngoài sự đặc biệt, khác lạ trên phương diện hôn nhân, gia đình thì nó còn là sự phản ánh một phần nào những mối quan hệ chính trị, kinh tế xã hội đương thời giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng cũng như sự giao lưu, tiếp xúc với phương Tây cách nay gần 400 năm trước.

______________
Theo Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên
- Tháng 4-1600 Thái úy Đoan quốc công Nguyễn Hoàng bỏ về Thuận Hóa, khi sứ giả của chúa Trịnh Tùng mang sắc dụ tới úy lạo thì ông đón tiếp trọng thể và hẹn đến thàng 10 sẽ đưa con gái (bà Nguyễn Thị Ngọc Tú) tới kinh đô để gả cho vương tử Trịnh Tráng (con trai của Trịnh Tùng) làm phu nhân.
- Tháng 3-1631, chính phi của chúa Trịnh Tráng là Nguyễn Thị Ngọc Tú mất, bà là con gái của Nguyễn Hoàng, sinh ra Sùng quận công Trịnh Kiều và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.
- Tháng 9-1642 Tiết chế Thái úy Sùng quốc công Trịnh Kiều mất thọ 42 tuổi (42 tuổi ta tức là sinh năm 1601).
Như vậy bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc sinh sớm lắm là năm 1602 nghĩa là lớn hơn vua Lê Thần Tông (sinh năm 1607) nhiều nhất là 6 tuổi chứ không phải 12 tuổi


Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Sponsored content




Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây _
PostSubject: Re: Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây   Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây I_icon_minitime

Back to top Go down
 

Lê Thần Tông - Vị vua Lê lên ngôi hai lần và lấy vợ Tây

View previous topic View next topic Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
♪ Smile Always ♪ :: Lịch sử và Thần thoại :: Việt Nam :: Nhà Lê★黎朝-

Smile Always♪
http://meoau.ace.st
Copyright © 2009

Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com