♪ Smile Always ♪
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.



 
HomeLatest imagesSearchRegisterLog in

Share | 
 

 Việc thiên đô về Thăng Long của nhà Lý

View previous topic View next topic Go down 
AuthorMessage
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Việc thiên đô về Thăng Long của nhà Lý _
PostSubject: Việc thiên đô về Thăng Long của nhà Lý   Việc thiên đô về Thăng Long của nhà Lý I_icon_minitime07.09.09 19:44

nguồn: suutap.com


Chúng ta vẫn nhẹ dạ quá để hiểu việc thiên đô này như một chuyện dọn nhà trong thời bấy giờ. Có mấy sự kiện lịch sử khiến ta không thể nào không thắc mắc: Tại Hoa Lư, kể từ năm Giáp Thân (984) vua Lê Đại Hành đã cho dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế, cùng các điện Phong Lưu, Tư Hoa, Bồng Lai, Cực Lạc, với lầu Đại Văn, điện Trường Xuân, điện Long Lộc ... thêm 5 cung cho 5 vị Hoàng Hậu,... mà Nam Sử diễn ca đã lên án:

Nguy nga ngói bạc cột đồng
Cung đài trang sức buông lòng xa hoa


- Còn tại Đại La, sau đổi là Thăng Long, thì Lê Văn Hưu đời Trần đã có lời chê là: "Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, nhà tông miếu chưa xây, đàn xã tẵ chưa dựng, đã tạo trước 8 ngôi chùa ở phủ Thiên Đức lại sửa sang tự quán các lộ ..."

- Lý Công Uẩn lên ngôi tháng mười năm Kỷ Dậu (1009) đến tháng 7 năm Canh Tuất (1010) thì thiên đô. Thời gian chỉ có 9 tháng đến đắp thành đất chưa chắc đã xong thì còn nói gì đến chuyện xây dựng cung điện nữa.

Vậy tại sao đến nỗi phải hấp tấp đến như thế? Tại sao chưa sửa sang kịp đô mới mà đã dời đô cũ mà đã sẵn sàng tất cả cung điện cần thiết?

Chúng ta đặt câu hỏi như vậy, là đã bắt đầu gợi ra được cho nhau một lối tìm tòi sự thực lịch sử.

"Việt Sử tiêu án" của Ngô Thời Sỹ có chép một đoạn như sau:

"Xưa kia Khai Quốc Vương là Bồ ở Trường An, cậy có núi sông hiểm trở, tụ tập nhiều kẻ vong mạng, vua Thái Tổ không biết, bấy giờ đốc xuất quân trong phủ làm phản, vua phải thân chinh, bọn chúng đầu hàng. Quân vua đến dưới thành ra lệnh kẻ nào cướp bóc của dân thì sẽ bị chém đầu, dân chúng dâng trâu bò và rượu chật đường, tuyên chiếu chỉ ủy lạo dân, xuống chiếu đưa Khai Quốc Vương về kinh đô tha tội, cho được giữ tước cũ".

Như thế, việc hấp tấp dời đô đã nói ở trên, đã là một việc cần thiết về quân sự và có liên quan đến cả vận mệnh của cả triều Lý nữa. Sự liên quan ấy như thế nào?

Xét hai vị trí của hai kinh đô Hoa Lư và Thăng Long, thì Hoa Lư có núi sông hiểm trở, tiện dùng làm căn cứ để cầm cự với cuộc xâm lăng của kẻ thù phương Bắc là nhà Tống lại tiện xuất phát để chinh phạt Chiêm Thành ở miền Nam. Nhưng Hoa Lư lại cũng là nơi dễ ẩn náu của nhiều lực lượng võ trang, liên kết với nhiều châu mục người Mường, Mán, Thái ... để bất kỳ lúc nào cũng đánh úp được quân đội của triều đình, và vì thế số phận của mỗi triều vua khó mà lâu dài được. Hoa Lư có điều kiện địa lợi, nhưng không có điều kiện nhân hòa. Còn Thăng Long ở giữa vùng đồng bằng sông Nhị, dân đông lại thuần lương hơn, nhờ đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo từ nhiều thế kỷ, tuy không có tổ chức chặt chẽ nhưng toàn khối Phật tử nhất là ở vùng Kinh Bắc đã sẵn sàng có thiện cảm đối với một ông vua xuất thân từ cửa Thiền. Thì Thăng Long có điều kiện nhân hòa, tuy không có điều kiện địa lợi như Hoa Lư.

Nhưng cái điều kiện gọi là địa lợi này, như đã nói ở trên, chỉ là để dễ đương đầu với cuộc xâm lăng ở phương Bắc, nếu có. Khi cuộc xâm lăng ấy không có nữa, thì địa lợi đã không giúp ích gì nữa.

Cho nên, liền ngay khi lên ngôi vua Lý Thái Tổ cho sứ thần Lý Nhậm Văn và Lê Tái Nghiêm sang Tàu cầu phong (1010), được vua Tống chấp thuận rồi, thì đã không phải lo gì về phương Bắc nữa. Cuộc dời đô tháng 7 năm ấy hẳn là phải thực hiện sau khi đoàn sứ giả về nước và đem kết quả tốt của cuộc thông hiếu về (nếu kết quả xấu thì tất nhiên đã không có việc dời đô). Một sự kiện lịch sử nữa, là qua năm sau, Tân Hợi (1011) Đào Khánh Văn theo chánh sứ Lý Nhân Mỹ sang Tàu thông hiếu, khi xong việc đã trốn ở lại, không chịu về nước. Vua Tống cho bắt và giải về trả cho vua Lý để làm tội. Chứng tỏ nhà Tống không có ý dòm ngó nước ta. Và việc thiên đô có đủ điều kiện thuận tiện, đã có thể lật ngược một thế cờ nào đó, của phe đảng Đào Khánh Văn.

Sử không ghi rõ Khai Quốc Vương là Bồ ở Trường An đã làm phản vào năm nào. Nếu đúng năm Tân Hợi (1011) này, thì đúng là họ Đào thấy cơ sự ở nước nhà đã hỏng nên trốn không dám về nữa. Còn nếu cuộc làm phản xảy ra về sau, thì năm ít ra cũng có một cuộc mưu phản khác đã bị triều đình khám phá được. Và với bằng chứng hiển nhiên là việc mưu đồ bất chính, đem trình bày cho ông vua Tống rõ, thì vua Tống mới cho bắt và đem giải về cho vua Lý.

Dù sao, những sự rẫy rụa như thế, ở phía Đào Khánh Văn, cũng như phía Khai Quốc Vương Bồ và biết đâu chẳng còn phía dòng dõi nhà Đinh, nhà Lê nữa, đã cho ta thấy rõ việc thiên đô là một việc khẩn yếu.


Ý kiến thiên đô của Sư Vạn Hạnh

Chúng ta biết rõ rằng Lý Công Uẩn là người có đức, nhưng kém về trí xảo. Khi Long Đĩnh giết anh để cướp ngôi, triều thần bỏ chạy cả, duy một mình Lý Công Uẩn ở lại ôm thây vua Trung Tôn mà khóc. Ông không bị Long Đĩnh nghi ngờ để giết đi là may lắm. Cử chỉ ấy, nếu không nỡ nói là ngu thì cũng không thể nào bảo là trí được.

Thêm một việc nữa do Việt Sử Tiêu án chép: "Khai Quốc Vương là Bồ ở Trường An cậy có núi sông hiểm trở, tụ tập nhiều kẻ vong mạng, vua Thái Tổ không biết ..."
Làm thế nào đến nỗi ông vua không biết một việc tầy trời như thế? Đã không biết lại thoát được mình về Thăng Long từ trước, thì cái việc thiên đô nầy đã do ông vua ấy chủ trương hay do ai khác chủ trương? Mà ai đây, hẳn là Sư Vạn Hạnh vậy.
Câu thơ của Lý Nhân Tôn (1072 - 1127) ca tụng Sư Vạn Hạnh "Trụ tích trấn vương kỳ" (gậy Phật trấn giữ vững vàng đế đô) đã có những lý do rất chính đáng.

Công tác tuyên truyền giữ vững ngôi nhà Lý, bằng những bài sấm truyền "Hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành", bằng những truyền thuyết về sự giáng sinh thần kỳ của Lý Công Uẩn,... ngày nay ta có thể nhìn nhận đích xác là do Vạn Hạnh chủ xướng hết.

Duy việc thiên đô, còn có thể ngờ rằng đã do ý của một người nào khác trong thời ấy chăng? Nhưng sau khi suy xét kỹ, thì thấy cũng chỉ có ngài Vạn Hạnh mới có được chủ trương ấy. Bởi có một lời chiếu dời đô, nó nghiêm chỉnh, đĩnh đạc, không có vẻ gì là hấp tấp cả, khác hẳn với việc dời đô thực đã vội vàng hết sức và chưa sửa soạn gì xong đã dời ngay (đến đô mới rồi mới lo việc xây dựng). Lại trong lời chiếu ấy thấy đã toàn dùng những đại danh đại nghĩa: "Xưa kia nhà Thương đón vua Bàn Canh đã năm lần thiên đô, nhà Chu đến vua Thành Vương đã ba lần thiên đô, không phải là theo ý riêng một mình, là nghĩ đến kế muôn năm về sau. Nhà Đinh và nhà Lê không theo lối cũ của Thương Chu cứ để kinh đô ở mãi nơi này, trẫm rất đau lòng ..." Không hề thấy một lời nào nói đến cái sự thật đã phân tích ở trên là chính trẫm đã phải lo chạy mau khỏi cái chỗ nguy hiểm ấy. Có lẽ khi ký tờ chiếu dời đô, cái "ông Trẫm" cũng chân thành nghĩ như vậy là đúng, mà không dè những đại danh đại nghĩa đã dùng để che đậy một mưu cơ mà chỉ người chủ xướng mới thấu đáo. Như thế mới thật hiểu rõ được một con người đầy thiện tâm đức độ nhưng kém mưu lược là Lý Thái Tổ, và con người mà sử thần bàn rằng: "Có kiến thức cao siêu, thần toán, biết trước mọi sự việc", như Sư Vạn Hạnh.


Tài ba lỗi lạc về tuyên truyền của Sư Vạn Hạnh

Lời chiếu dời đô của vua Lý ban ra, cố nhiên đã do Sư Vạn Hạnh thảo. Lời chiếu tuy vắn tắt mà đã là cả một tác phẩm tuyên truyền để trấn tĩnh nhân tâm và gây một tinh tưởng sắt thép đối với "người đáng vị thiên tử " là Lý Thái Tổ. Nói kín đáo và khéo léo sánh nhà Lý với nhà Thương nhà Chu để dành lấy chính nghĩa. Nó lại gián tiếp dùng cả những tin tưởng thần bí về địa lý để giải thích sự không bền bỉ của ngôi vua Đinh, Lê và luôn tiện cảnh cáo những phe phái nghịch muốn mưu đồ phản loạn ở Hoa Lư.

Nhưng đặc biệt là nó chỉ biểu lộ khía cạnh xây dựng tích cực mà không cần có vẻ gì đe dọa một cách tiêu cực. Và xây dựng không cho cá nhân vua Lý Thái Tổ, mà xây dựng cho cả dân nước về "muôn đời" về sau.

Đã đành ở thời xưa, một bài chiếu của vua ban ra, không phải là một bài văn thường để có thể cho phép người ta sì sào bàn tán. Nhưng nếu bài chiếu ấy có chỗ hớ, thì không thể khiến toàn khối sĩ phu phải khuất phục trước một việc mà vua đã quyết định.

Việc dời đô với lời chiếu giải thích ấy lại có thêm truyện Rồng hiện xuống khi vua mới tới đô mới, để đổi tên là Thăng Long, thì ta thấy đời bây giờ cũng chưa chắc có người nào theo kịp được cái việc tác động tâm lý quần chúng một cách tin tế đến thế.

Sư Vạn Hạnh đã khơi sâu đến tận tiềm thức của dân tộc để làm vững nhà Lý, khi đem dùng đến con Rồng trong công tác này. Rồng vẫn là một thần vật hộ trì cho cả nước, theo những lời tục truyền về nguồn gốc Rồng Tiên của dân tộc. Chưa rõ là lời tục truyền xuất phát vào hồi nào trong lịch sử. Nhưng kể suốt dòng dài của lịch sử thì chỉ đến đời Lý mới thấy có Sư Vạn Hạnh là người đầu tiên và duy nhất đã dùng được con Rồng ấy để đinh ninh vào lòng người, sự đáng vì thiên tử của Lý Thái Tổ và thiên đô là hợp với lòng trời.


Quan niệm về nguồn gốc Rồng Tiên

Suy nghĩ kỹ về điểm Sư Vạn Hạnh là người đầu tiên và duy nhất dùng con Rồng để tác động vào tiềm thức của dân tộc, thì đối với truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt Nam, nếu Sư Vạn Hạnh không là người sáng tác ra truyền thuyết ấy, thì ít nhiều ông cũng có dự phần tu chỉnh và hoàn mỹ truyền thuyết ấy.

Điều này hết sức quan trọng. Bởi vì truyền thuyết ấy không một câu chuyện vu vơ để mua vui. Mà nó đã là công trình xây dựng của cả một ý thức hệ dân tộc.

---------------


Chiếu Dời Đô


Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô (1). Nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô (2). Các vua thời Tam đại (3) đâu có phải theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời. Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu đồng hiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì mới thay đổi. Vì vậy vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Còn như hai nhà Đinh, Lê thì lại theo ý riêng mình, coi thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên ở nơi này (4), khiến cho triều đại không được lâu dài, số vận ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La là cố đô của Cao Vương (5) ở vào nơi trung tâm trời đất, có cái thế rồng cuốn hổ ngồi, đúng ngôi vị Nam, Bắc, Đông, Tây, thuận núi sông quay đi ngoảnh lại, đất rộng mà bằng, cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cái khổ ngập lụt, muôn vật rất dồi dào. Xem khắp đất Việt, chỉ đây là nơi thắng địa. Thật là nơi tụ hội quan trọng của bốn phương, nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Trẫm muốn nhân cái địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh thấy thế nào ?

(Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" - "Tổng tập văn học Việt Nam" - tập 1)

-----------------

Chú thích:

Trong bài "Chiếu dời đô" tác giả sử dụng một số điển tích, sự kiện của lịch sử Trung Quốc

(1) Nhà Thương, hoặc Ân Thương là triều đại chiếm hữu nô lệ ở Trung Quốc từ thời cổ đại trước Công Nguyên.

Bàn Canh là vua thứ mười bảy của nhà Thương.

(2) Thành vương là vua thứ ba của nhà Chu. Nhà Chu là triều đại tiếp nối nhà Thương (Trung Quốc).

(3) Tam đại: tên chung chỉ ba triều đại: Hạ, Thương, Chu.

(4) Chỉ Hoa Lư, kinh đô của hai nhà Đinh và Tiền Lê, nay thuộc huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình, Hoa Lư còn gọi là Trường Yên.

(5) Cao Vương: chỉ Cao Biền, viên quan đô hộ thời nhà Đường làm Tiết độ sứ. Cao Biền xây thành Đại La (nay thuộc quanh vùng đường Đại La, Hà Nội) vào khoảng năm 866. Tương truyền Cao Biền có nhiều thủ thuật lạ về phép phong thủy, cho nên giới phong thủy thời phong kiến tôn là Cao vương, cũng như giới nhà Nho tôn Sĩ Nhiếp là Sĩ vương. Từ đó, tên Cao vương quen dùng ngay cả khi người đời sau chế giễu Cao, như trong đôi câu đối đình Tân Khai (44 phố Hàng Vải, Hà Nội) ca tụng thần Bạch Mã, thành hoàng của thủ đô Thăng Long, đã giúp vua Lý và đã nổi sấm sét phù phép của Cao. Trong đôi câu đối có ngụ ý đối lập sự tôn nghiêm của vua nhà Lý với sự hài hước trong việc Cao Biền giở trò phù thủy mà bị thất bại

Đan giá tự thiên lai, thành quách dĩ tiền khai Lý đế;

Nhất thanh tòng địa chấn, sơn hà y cựu tiếu Cao Vương.

(Giáng hạ tự mây trời, thành quách ngàn xưa, mở nghiệp Lý đế;
Sấm sét vang mặt đất, núi sông như cũ, cười giễu Cao Vương)
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
 

Việc thiên đô về Thăng Long của nhà Lý

View previous topic View next topic Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
♪ Smile Always ♪ :: Lịch sử và Thần thoại :: Việt Nam :: Nhà Lý★李朝-

Smile Always♪
http://meoau.ace.st
Copyright © 2009

Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com